Trí Uẩn - bảy mảnh gỗ mộc ghép thành 1000 hình

Trí Uẩn - Trò chơi Việt Nam vươn tầm Thế giới
Trí Uẩn - được Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy chính tên của tác giả đặt cho Trò chơi


Xuất phát từ bảy miếng bìa mộc mạc của những năm 1940-1950, trò chơi Trí Uẩn với sức sáng tạo không giới hạn bền bỉ tồn tại qua năm tháng. Mới đây, trò chơi này đã được thiết kế và lập trình cho phù hợp, phổ biến hơn trong thời đại số, internet công nghệ cao.
Chuyện kể rằng, khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, nhà cách mạng Nguyễn Trí Uẩn (1916-1995) trong thời gian hoạt động bí mật tại Hà Nội, phải ẩn náu trên gác bếp của căn nhà số 42 Phố Huế (Hà Nội). Trong thời gian này, ông nghĩ cách cắt những tấm bìa ra để ghép hình theo trí tưởng tượng, suy luận của mình. Sau rất nhiều mày mò, tưởng tượng, cuối cùng với bảy miếng ghép được tách ra từ một hình chữ nhật có kích thước 8cm x 10cm, có cấu trúc hợp lý như kính vạn hoa, ông đã lắp ghép được khá nhiều hình ảnh. Sau đó, ông đã quyết định phát triển trò chơi này. Ông dùng những mảnh gỗ mít để quân chơi càng ngày càng bóng. Các quân được cắt chính xác, khéo léo, không sai lệch dù chỉ là chút xíu để bảo đảm người chơi có thể ghép hình được.
Với bảy mảnh ghép đơn giản của Trí Uẩn, một hình trái tim có thể ghép theo 28 cách khác nhau. Hạt kim cương bé nhỏ có tới 66 cách ghép. Một quả tạ có thể có 88 cách ghép. Có thể ghép 10 chữ số tự nhiên và 24 chữ cái, ghép hình tượng Các Mác, V.I.Lê-nin, minh họa 18 bài thơ của La Fontaine. Trò chơi mang đầy tính sáng tạo này đã lan truyền rộng rãi, được Bác Hồ lấy chính tên của tác giả đặt cho. Nhiều chuyên gia đã đánh giá, trò chơi này tuy đơn giản nhưng lại tạo hứng thú, phát triển khả năng tư duy toán học, khả năng sáng tạo và thúc đẩy phát triển trí não. Không những thế, trò chơi này có thể trở thành các bài toán về hình học, lôgic học, hội họa tạo hình, mỹ thuật... Chính vì vậy, hơn 70 năm qua, Trí Uẩn vẫn có sức sống trong giới học sinh, sinh viên Việt Nam.
Chương trình tiểu học gần đây cũng đã đưa một số bài toán "ghép hình" với 5-7 miếng ghép, tiếp thu từ trò chơi Trí Uẩn, cho học sinh tiếp cận.
Trò chơi này không giới hạn bất kỳ độ tuổi nào từ trẻ em 5 tuổi đến cả giảng viên đại học hay người già.


Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của simonox. Được tạo bởi Blogger.