Đề xuất hệ thống thang bảng lương riêng cho giáo viên


Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của BCH T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Một trong những nội dung đáng chú ý là đánh giá kết quả thực hiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh và thu hút đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhất là tiền lương.
Mặt bằng chung đang thấp
Trường mầm non A Hoàn Kiếm, TP Hà Nội được thành lập từ năm 1956. Trong suốt hơn 60 năm qua, nhà trường liên tục là đơn vị thực hành sư phạm và thực hiện thí điểm mô hình tiên tiến của giáo dục mầm non từ việc thực hiện quy chế xây dựng trẻ theo phương pháp khoa học; đến thực hiện trương trình thí điểm cải cách, rồi đổi mới hình thức giáo dục. Hiện nay, trường đã có hơn 70% giáo viên có trình độ trên chuẩn và 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non loại khá và xuất sắc (trong đó có 85% xuất sắc). Tuy nhiên, đời sống của tập thể cán bộ, giáo viên của trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chế độ chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non còn nhiều bất cập.
Cô giáo Lâm Thương, Trường mầm non A Hoàn Kiếm chia sẻ, mặc dù đã công tác trong ngành gần 30 năm, hoàn thành chương trình đại học cách đây 15 năm nhưng cô vẫn chưa được hưởng mức lương theo đúng ngạch bậc quy định. Cùng tâm tư với cô giáo Lâm Thương, cô giáo Thu Trang cũng trăn trở về mức thu nhập hiện tại của nghề giáo còn thấp so mặt bằng thu nhập chung, gây khó khăn cho đời sống của giáo viên.
Theo Bộ GD&ĐT, trong những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho giáo viên như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề, mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên... Điều đó đã góp phần nâng cao đời sống của giáo viên, nhưng thực tế lương nhà giáo chưa đúng với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII và Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, và cũng chưa thật sự bảo đảm được đời sống so với biến động về giá hàng hóa và tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
Hiện nay, ngoài lương thì nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công lập được hưởng thêm hai loại phụ cấp, đó là phụ cấp ưu đãi (với các mức từ 25% đến 70%); phụ cấp thâm niên (được tính gia tăng theo thời gian công tác). Theo khảo sát, đánh giá gần đây cho thấy, phụ cấp ưu đãi bình quân toàn ngành khoảng 36%, phụ cấp thâm niên toàn ngành khoảng 18%. Như vậy, thu nhập bình quân tăng thêm giáo viên toàn ngành khoảng 54%, cao hơn đối với những công chức hành chính chỉ có phụ cấp công vụ 25%, nhưng mức lương và phụ cấp này đang thấp hơn mức lương và phụ cấp của một số ngành như công chức thanh tra có phụ cấp thâm niên (như giáo viên), phụ cấp ưu đãi (15%; 20%; 25%) và phụ cấp công vụ (25%); công chức chuyên trách Đảng, đoàn thể chính trị xã hội có 25% phụ cấp công vụ và 30% phụ cấp chuyên trách.
“Các chế độ chính sách về lương cũng như các khoản thu nhập khác có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng chuyên môn; nếu mức thu nhập bảo đảm đời sống thì sẽ yên tâm công tác, đi sâu vào phát triển chuyên môn, và ngược lại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu và chất lượng giáo dục”, Bộ GD&ĐT nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, áp lực đối với nhà giáo ngày càng tăng trong khi thu nhập của nhà giáo so với mặt bằng chung đang thấp. Mặc dù quan điểm của Đảng là tạo điều kiện cho nhà giáo có được thu nhập cao nhưng trong thực tế mấy chục năm qua, khi so sánh về tiến độ điều chỉnh chính sách tiền lương thì chính sách tiền lương dành cho nghề giáo là chững lại. Trong khi, một số ngành nghề các điều kiện về chính sách tiền lương đã được điều chỉnh. Vì vậy, so với mặt bằng chung thì thu nhập tiền lương của nhà giáo vẫn ở mức thấp.
Đề xuất hệ thống thang bảng lương riêng
Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư ngày 21-5-2018 về cải cách chính sách tiền lương, trong đó có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước về GD&ĐT. Thực hiện Nghị quyết này, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu đề xuất hệ thống thang bảng lương riêng được xác định theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng hiệu quả của công việc. Trong đó lương nhà giáo được thực hiện đúng chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư.
Với các giải pháp thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT cho biết, trong những năm qua đã triển khai các chính sách, chế độ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục như đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án 911; miễn học phí đối với sinh viên sư phạm; chế độ phụ cấp đứng lớp đối với nhà giáo; chính sách thâm niên cho nhà giáo đang giảng dạy; ban hành các thông tư về tiêu chuẩn chức danh nhà giáo; chế độ ưu đãi đối với các nhà giáo dạy ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…
Hiện Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ thực hiện những giải pháp nâng cao đời sống đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, qua đó thu hút nhân tài và khuyến khích các em học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm.
Theo http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/item/37984902-luong-giao-vien-chua-dung-chu-truong.html
loading...

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của simonox. Được tạo bởi Blogger.