Hướng dẫn tổ chức thi Nghề phổ thông năm học 2021-2022




Kính gửi:

- Hiệu trưởng trường trung học phổ thông; 
 - Hiệu trưởng trường phổ thông có nhiều cấp học; 
 - Thủ trưởng các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Tiếp theo Kế hoạch số 3349/KH-SGDĐT ngày 12 tháng 11 năm 2021, Thông báo số 3542/TB-SGDĐT ngày 23 tháng 11 năm 2021 và Công văn số 3686/SGDĐT- KT&KĐCLGD ngày 02 tháng 12 năm 2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc tổ chức thi Nghề phổ thông tháng 12 năm 2021, Sở GDĐT hướng dẫn tổ chức thi Nghề phổ thông năm học 2021-2022, như sau:

I. ĐĂNG KÝ DỰ THI

1. Mỗi trường Trung học phổ thông (THPT), trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông (THCS- THPT) và Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TT. GDTX), Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (TT. GDNN – GDTX), trường Trung cấp có hệ GDTX (gọi tắt là đơn vị đăng ký dự thi) có số thí sinh đăng ký là 01 Hội đồng coi, chấm thi. Các đơn vị đăng ký dự thi nếu có số lượng thí sinh dự thi ít thì có thể thi ghép với các đơn vị khác nếu được sự chấp thuận của đơn vị đó bằng văn bản. 
 2. Từ số liệu đăng ký Hội đồng thi tiến hành lập danh sách thí sinh dự thi. Chuẩn bị cơ sở vật chất, dự trù kinh phí, văn phòng phẩm, ấn chỉ phục vụ công tác coi, chấm thi.

3. Các đơn vị có học sinh đăng ký dự thi lập danh sách thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c,...của tên thí sinh theo từng nghề hoặc theo đơn vị lớp để Sở GDĐT cấp tài khoản cho thí sinh.

4. Xếp phòng thi: sắp xếp phòng thi theo nghề đăng ký dự thi, số lượng thí sinh trong mỗi phòng thi từ 50 đến 100 thí sinh/phòng. Số phòng thi được sắp xếp tăng dần lần lượt từ nghề Tin học văn phòng (THVP), Điện dân dụng (ĐDD) và Làm vườn.

5. Mỗi thí sinh có một tài khoản và mật khẩu duy nhất do Sở GDĐT cung cấp. Thí sinh quản lý tài khoản và mật khẩu của mình, vì mỗi tài khoản chỉ đăng nhập trên 1 thiết bị duy nhất.

6. Ngày thi

- Lý thuyết: ngày 05/12/2021 (buổi sáng)



- Lịch thi thực hành và ngày thi dự phòng: sẽ thông báo sau.

7. Hình thức thi: trực tuyến trên phần mềm K12Online và Zoom

8. Môn thi: Tin học văn phòng, Điện dân dụng, Làm vườn.

9. Bài thi, thời gian thi: thí sinh phải hoàn thành 02 bài thi gồm Lý thuyết và Thực hành.

+ Bài thi lý thuyết theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài thi là 45 phút, điểm hệ số 1. Mỗi thí sinh sẽ làm bài thi 40 câu hỏi trắc nghiệm.

+ Bài thi thực hành theo hình thức trắc nghiệm: thời gian làm bài 60 phút/ môn, điểm hệ số 3 (theo Công văn số 3686/SGDĐT- KT&KĐCLGD). 

 II. ĐỀ THI

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cung cấp ngân hàng đề thi lý thuyết và thực hành theo hình thức thi trắc nghiệm. Mỗi môn có 1 ngân hàng đề thi gồm từ 100 câu đến 200 câu mức độ tương đương với ma trận đề thi; có đáp án kèm theo. Phần mềm sẽ trộn ngẫu nhiên theo ma trận đề thi, mỗi học sinh sẽ có 1 đề thi ngẫu nhiên do phần mềm trộn. Nội dung, phạm vi đề thi: chương trình lớp 11 có 105 tiết (3 tiết/tuần).

Thực hiện theo kế hoạch giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thang điểm và hệ số: đề thi được ra theo thang điểm 10, thí sinh phải hoàn thành 02 bài thi gồm Lý thuyết và Thực hành: + Bài thi lý thuyết: điểm hệ số 1.

+ Bài thi thực hành: điểm hệ số 3.

- Ra đề thi, soạn thảo hướng dẫn chấm thi chính thức và dự bị (cả lý thuyết và thực hành).

Yêu cầu của đề thi: Đề thi bảo đảm nội dung chương trình, chính xác, rõ ràng, phân hoá được trình độ học sinh, phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi; Đề thi phải được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, không gây hiểu nhầm.

- Đề thi và đáp án khi chưa được công bố là bí mật Nhà nước độ “Tối mật” theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đề thi dùng cho thí sinh thi phải được giữ độ tối mật cho đến khi được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép công bố.

III. CHUẨN BỊ KỲ THI 

1. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi

Những người tham gia tổ chức kì thi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau:

- Có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao; Nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi;

- Không có con, em ruột của vợ hoặc chồng dự thi;

- Không trong thời gian bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 2. Thành lập Hội đồng thi

Nhiệm vụ của Hội đồng thi: chỉ đạo công tác tổ chức thi, quản lí chặt chẽ các công việc của Hội đồng thi, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng và đánh giá chất lượng kì thi, kiến nghị về dạy và học Nghề phổ thông, lập hồ sơ thi; Thực hiện bảo quản theo nguyên tắc bảo mật đề thi, bài thi, hồ sơ thi; Xét kết quả thi và xếp loại theo tiêu chuẩn quy định, lập danh sách đề nghị Giám đốc Sở GDĐT công nhận kết quả thi Nghề phổ thông; Báo cáo Giám đốc Sở GDĐT và các cấp có thẩm quyền về tình hình thi Nghề phổ thông.

Sở GDĐT ủy quyền cho Hiệu trưởng các trường THPT, trường THCSTHPT, trường Trung cấp có hệ GDTX và Giám đốc Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN-GDTX, ra quyết định thành lập Hội đồng coi, chấm thi nghề phổ thông (gọi tắt là Hội đồng thi) trên tinh thần bố trí tinh gọn hợp lý theo quy mô, đảm bảo điều hành hoạt động của Hội đồng thi, với thành phần như sau:

a) Chủ tịch Hội đồng thi là lãnh đạo nhà trường có năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nắm vững Quy định và nghiệp vụ thi;

Nhiệm vụ: điều hành và chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc của Hội đồng coi thi; Phân công giám thị phòng thi đảm bảo khách quan, chặt chẽ; Xem xét, quyết định hoặc đề nghị áp dụng hình thức kỷ luật đối với những người vi phạm Quy định của kỳ thi; Trực tiếp báo cáo và thực hiện các phương án xử lý khi xảy ra những trường hợp sự cố về đề thi sau khi tham khảo ý kiến các thành viên trong Hội đồng.

b) Phó chủ tịch: là lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn, thư ký Hội đồng trường có năng lực quản lý, nắm vững nghiệp vụ thi; Số lượng Phó Chủ tịch tùy vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi nếu số thí sinh đăng ký dưới 250 thí sinh cử 1 người, nếu số lượng dự thi trên 250 thí sinh thì cử 02 người.

Nhiệm vụ: giúp Chủ tịch Hội đồng trong công tác điều hành và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về phần việc được phân công; Trực điện thoại xử lý các sự cố bất thường do thí sinh hoặc Giám thị, giám sát báo.

c) Thư ký: là lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên nắm vững nghiệp vụ thi và thành thạo công nghệ thông tin; Số lượng Thư ký tùy vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi, nếu số thí sinh dưới 250 cử 1 người, trên 250 thì cử 02 người.

Nhiệm vụ: giúp Chủ tịch Hội đồng soạn thảo các biên bản của kỳ thi, lập các bảng biểu cần thiết, lập biên bản bất thường của Hội đồng (nếu có); xuất dữ liệu từ hệ thống K12Online để lưu trữ, báo cáo; Kiểm tra, rà soát số lượng thí sinh nộp bài thi, theo dõi thí sinh vắng thi; thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng phân công;

d) Cán bộ giám sát: là lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn, thư ký

Hội đồng trường có năng lực quản lý, nắm vững nghiệp vụ thi. Số lượng 1 người/ Hội đồng coi.

Nhiệm vụ: thực hiện giám sát Hội đồng coi thi theo hướng dẫn của thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo.

e) Giám thị: là giáo viên có tinh thần trách nhiệm, nắm vững nghiệp vụ thi; Trong mỗi phòng thi phải bố trí đủ 2 giám thị trong đó có 01 giám thị am hiểu về công nghệ thông tin.

Nhiệm vụ: phổ biến quy chế thi cho tất cả thí sinh trong phòng thi, hướng dẫn thí sinh đăng nhập, cách làm bài, nộp bài trên phần mềm K12Online, điểm danh thí sinh và báo cáo cho Thư ký các trường hợp thí sinh vắng mặt; Tổ chức hướng dẫn và kiểm tra, giám sát thí sinh làm bài trong phòng thi; Lập biên bản, đề nghị xử lý kỷ luật những thí sinh vi phạm Quy định thi; lập các biên bản bất thường xảy ra trong phòng thi.

f) Nhân viên phục vụ, y tế, bảo vệ: Vì kỳ thi trực tuyến, nhân sự Hội đồng coi, chấm thi chủ yếu làm việc tại nhà nên nếu thấy thực sự cần thiết thì nhà trường cử nhân viên phục vụ, y tế, số lượng do Hiệu trưởng quyết định.

Lưu ý: do bài thi lý thuyết và thực hành đều thi theo hình thức trắc nghiệm nên bài thi được chấm bằng phần mềm K12Online, vì vậy Hội đồng thi không cử Giám khảo và Tổ trưởng chấm thi.

3. Cơ sở vật chất

Để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc đúng quy chế và thành công, Chủ tịch Hội đồng thi cần rà soát và đảm bảo: tất cả những người tham gia coi thi phải sử dụng máy tính hoặc laptop được kết nối Internet, có camera, có microphone để có thể trao đổi thông tin giữa giám thị và thí sinh khi cần thiết và cài đặt phần mềm Zoom (khuyến khích không dùng điện thoại). 

IV. TỔ CHỨC THI

1. Coi thi 

a) Qui trình tổ chức coi thi (phụ lục đính kèm)

b) Trách nhiệm của thí sinh:

- Thí sinh cần đăng nhập vào phòng thi trực tuyến đúng thời gian đã quy định để được chấp nhận vào phòng thi. Thí sinh vào muộn quá 15 phút sau khi tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

- Phải tham gia thi thử để luyện thành thạo các kỹ năng cần thiết về thao tác thiết bị cũng như thao tác thi (đăng nhập, lấy đề, nộp bài, …) trên hệ thống K12Online.

- Thí sinh phải trung thực, tự giác trong quá trình làm bài. Nghiêm cấm thi hộ, làm bài hộ, không sử dụng tài liệu, không trao đổi bài với thí sinh khác dưới bất kì hình thức nào, nếu phát hiện có gian lận trong quá trình làm bài, thí sinh sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và bị xử lý theo đúng quy chế thi.

- Thời gian bài thi sẽ tự động đếm lùi, khi hết thời gian làm bài mà thí sinh chưa kết thúc bài thi thì hệ thống sẽ tự động ngắt phiên làm bài và nộp bài thi. Thí sinh có nhiệm vụ chụp lại kết quả đã công bố trên màn hình để đối chiếu khi cần thiết.

- Thí sinh phải chuẩn bị máy tính, điện thoại thông minh:

+ Máy tính có kết nối mạng Internet, có camera, microphone và phải đảm bảo đường truyền Internet ổn định, đảm bảo giữ hình ảnh và âm thanh của mình trong suốt thời gian thi và cài đặt sẵn phần mềm Zoom.

+ Điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, có camera, microphone và phải đảm bảo đường truyền Internet ổn định, đảm bảo giữ hình ảnh và âm thanh của mình trong suốt thời gian thi và cài đặt sẵn phần mềm K12Online (phiên bản mới nhất) và Zoom.

+ Trang phục lịch sự, chuẩn bị không gian thi đủ ánh sáng, yên tĩnh ít tiếng ồn, không có người qua lại khi thi. Đảm bảo đường truyền mạng internet kết nối ổn định với thiết bị thi.

+ Tự chuẩn bị sẳn giấy nháp, bút, máy tính cá nhân phục vụ việc thi theo quy định hiện hành.

+ Phải xuất trình thẻ học sinh hoặc Chứng minh thư/Căn cước công dân, hoặc giấy tờ tùy thân khác có ảnh để Hội đồng thi xác nhận khi có yêu cầu.

- Yêu cầu trong quá trình làm bài:

+ Trong quá trình làm bài phải bật loa, camera và bật tiếng khi được yêu cầu để tương tác với Giám thị. Camera phải hướng về phía thí sinh để thấy được thí sinh đang làm bài. Nếu thí sinh có ý kiến với Giám thị thì phải chọn chức năng giơ tay trên phòng thi Zoom. Giám thị cho phép thì thí sinh mới được phát biểu.

+ Trong quá trình thi thí sinh tắt hết các phần mềm liên quan đến các kênh liên lạc để không vi phạm trong quá trình làm bài.

+ Không được sử dụng các kênh liên lạc trong quá trình làm bài thi như nhắn tin, gọi điện bằng điện thoại hay các thiết bị khác trên zalo, facebook,….

+ Không được sao chép bài thi của người khác, nếu phát hiện sẽ bị 0 điểm cả người sao chép và người cho sao chép.

+ Không gây ồn ào trong phòng thi hoặc trao đổi bài thi với bất kỳ ai hoặc các hành vi gian lận khác.

+ Trong quá trình làm bài thi thí sinh không mở quá 04 lần phần mềm khác.

- Thí sinh nộp bài bằng cách nhấn nút “Nộp bài” trong phần mềm hoặc khi hết giờ thì hệ thống sẽ tự động nộp bài qua hệ thống.

*Lưu ý: Đến ngày thi, thí sinh có thiết bị không đáp ứng yêu cầu kỳ thi hoặc thí sinh là F0 nhiễm COVID-19 không đủ sức khỏe dự thi phải báo với Chủ tịch Hội đồng thi xem xét, đề nghị Ban Chỉ đạo cho thi đợt dự phòng.

2. Chấm thi

Bài thi lý thuyết và thực hành (trắc nghiệm): phần mềm chấm điểm tự động theo đáp án đã cấu hình từ trước và quy về thang điểm 10, làm tròn đến 0,5 điểm.

Sau khi có kết quả chấm thi của bài thi lý thuyết và thực hành từ phần mềm K12Online, Hội đồng thi làm các việc sau:

- Xuất bảng ghi tên ghi điểm của thí sinh từ phần mềm K12Oline, kiểm dò xác suất 20% các điểm thi trên bảng điểm với bài thi của thí sinh; Kiểm tra kết quả xếp loại của thí sinh.

- Lập danh sách thí sinh đạt yêu cầu theo mẫu tại phụ lục

- Thống kê kết quả thi Nghề phổ thông

- Tổng hợp tất cả các biên bản của kỳ thi, bài thi, video lưu trữ theo đúng qui định.

V. XỬ LÝ – DUYỆT KẾT QUẢ KỲ THI 

 1. Xếp loại kết quả thi

Thí sinh đạt điểm trung bình 2 bài thi từ 5,0 trở lên, không có bài thi điểm dưới 3,0 thì được công nhận kết quả và xếp loại theo tiêu chuẩn sau đây:

- Loại Giỏi: điểm trung bình 2 bài thi đạt từ 9,0 đến 10;

- Loại Khá: điểm trung bình 2 bài thi đạt từ 7,0 đến dưới 9,0; điểm bài lý thuyết từ 5,0 trở lên;

- Loại Trung bình: các trường hợp được công nhận kết quả NPT còn lại.

2. Duyệt kết quả kỳ thi: Sở GDĐT duyệt kết quả kỳ thi Nghề phổ thông cho học sinh lớp 12 khi các Hội đồng thi hoàn thành các loại hồ sơ sau và nộp về Sở theo lịch làm việc của kỳ thi gồm:

- Bảng ghi tên ghi điểm có xác nhận của Chủ tịch Hội đồng (02 bộ) (Phụ lục 3)

- Danh sách thí sinh đạt yêu cầu trong kỳ thi (02 bộ) (Phụ lục 4)

- Bảng thống kê kết quả thi nghề (Phụ lục 5)

- Biên bản tổng kết coi, chấm thi. (Phụ lục 6)

* Lưu ý: Sau khi thi lý thuyết ngày 05/12/2021, các Hội đồng thi thực hiện các biểu mẫu phụ lục 3,4,5 lưu tại Hội đồng để đối chiếu kết quả khi cần.

3. Lưu trữ hồ sơ thi: tất cả các biên bản, hồ sơ coi chấm thi được lưu giữ tại trường với thời hạn 02 năm.

V. KINH PHÍ

Thực hiện theo văn bản số 3640/SGDĐT-KHTC ngày 30/11/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn chế độ, định mức thu, chi kỳ thi Nghề phổ thông năm học 2021 – 2022.

Để có số liệu thông kê và báo cáo, đề nghị các Hội đồng thi gửi số liệu thí sinh đăng ký dự thi (theo mẫu đính kèm) về Sở GDĐT qua địa chỉ email lienkt@angiang.edu.vn trước ngày 05/12/2021.

Yêu cầu các đơn vị đăng ký dự thi tổ chức thực hiện tốt nội dung Công văn này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, báo cáo về các Phòng chức năng của Sở GDĐT (Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Kế hoạch - Tài chính) để được hướng dẫn./.

Văn bản chi tiết: Link

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của simonox. Được tạo bởi Blogger.